Nếu không có phương án, vài năm tới doanh nghiệp FDI sẽ kiểm soát thị trường

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, và cũng là nhận định của nhiều đại biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 của Cục Chăn nuôi diễn ra chiều 19/12/2023. Hội nghị do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến và Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng đồng chủ trì.

Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024

Các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 của Cục Chăn nuôi.

Kết quả tích cực

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động nhưng nhìn chung tình hình chăn nuôi trong nước khá ổn định và không có biến động lớn. Tổng đàn heo khoảng 30,3 triệu con, tăng khoảng 4,2%; đàn trâu 2,2 triệu con, giảm 1,0%; đàn bò 6,4 triệu con tăng 1,0%; đàn gia cầm 558,6 triệu con, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Ước tính cả năm 2023, tổng sản lượng thịt hơi các loại sẽ đạt trên 7,6 triệu tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thịt heo hơi 4,68 triệu tấn; thịt gia cầm 2,24 triệu tấn; thịt trâu, bò 0,63 triệu tấn và khoảng 50.000 tấn thịt dê, cừu các loại. Sản lượng trứng ước đạt 18,98 tỷ quả, tăng 3,9% và sản lượng sữa tươi ước đạt trên 1,2 triệu tấn, tăng 7,2% so với năm 2022.

Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi

Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết “Năm vừa qua, ngành chăn nuôi đã rất nỗ lực để đảm bảo tăng trưởng”.

Về thức ăn chăn nuôi công nghiệp (TACN), tổng sản lượng sản xuất trong nước ước đạt 20 triệu tấn, giảm 2,4% so với năm 2022. Giá các nguyên liệu TACN chính đều giảm so với năm trước. Cụ thể, ngô hạt 7.760 đồng/kg (giảm 12,5%); khô dầu đậu tương 14.100 đồng/kg (giảm 3,1%); ngô lên men (DDGS) 9.240 đồng/kg (giảm 7,6%); cám mì 6.870 đồng/kg (giảm 1,9%); cám gạo chiết ly 6.190 đồng/kg (giảm 1,7%). Tuy nhiên, so với năm 2022 giá các nguyên liệu chính trong năm 2023 vẫn cao hơn từ 32,4 – 45,6% so với giai đoạn trước dịch COVID-19.

Cùng đó, giá TACN hỗn hợp hoàn chỉnh cho heo và gia cầm trung bình cả năm 2023 vẫn cao hơn 0,7 – 3,5% so với năm 2022 và cao hơn 44,8% so với giai đoạn trước dịch COVID-19 (năm 2020). Nguyên nhân chủ yếu do giá TACN hoàn chỉnh chỉ được điều chỉnh giảm giá kể từ tháng 6/2023 đến nay (khoảng 6 đợt điều chỉnh giảm giá nhưng mức giảm không nhiều).

Trong năm 2023, mặc dù trải qua nhiều khó khăn, ngành chăn nuôi vẫn duy trì đà tăng trưởng, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và một phần cho xuất khẩu, đồng thời góp phần duy trì mức tăng chung của ngành nông nghiệp.

Hướng tới phát triển bền vững

Tại Hội nghị tổng kết, chia sẻ về hoạt động của ngành và các doanh nghiệp chăn nuôi trong năm 2023, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, nhấn mạnh về 4 điểm sáng. Theo ông Sơn, mặc dù bối cảnh khủng hoảng kinh tế diễn ra toàn cầu nhưng ngành chăn nuôi vẫn duy trì đà tăng trưởng khi nhiều ngành khác sụt giảm. Thứ hai là về xu thế tất yếu của chăn nuôi Việt Nam, mà trong đó chăn nuôi quy mô lớn và công nghệ cao càng ngày càng phát triển. Thêm nữa, dù số lượng chưa nhiều so với ngành hàng nông nghiệp khác, nhưng tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu một số sản phẩm chăn nuôi đã ghi nhận tăng cao, như sản phẩm gia cầm đã đạt hơn 10 triệu USD trị giá xuất khẩu. Cuối cùng, năm 2023, ngành chăn nuôi đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đặc biệt là dịch cúm gia cầm, điều này cũng góp phần vào việc tăng trưởng của các ngành hàng khác.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam chia sẻ “4 điểm sáng và 3 điểm tối” của ngành chăn nuôi trong năm 2023.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng chỉ ra “3 điểm tối” của ngành. Đó là giá trị gia tăng của một số ngành hàng vẫn còn thấp, thậm chí là lỗ; Giá thịt hơi tăng cao hơn so với năm 2022; Và xu hướng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp lớn với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Do vậy, ông Sơn kiến nghị Cục Chăn nuôi cần có phương án điều tiết để tất cả cùng đi trên một con đường, nếu không thì vài năm tới doanh nghiệp FDI sẽ kiểm soát thị trường. Ngoài ra cần có giải pháp căn cơ để kiểm soát buôn lậu gia súc, gia cầm.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết: Năm vừa qua, ngành chăn nuôi đã nỗ lực vượt khó đảm bảo tăng trưởng. Để ngành tiếp tục phát triển bền vững, Cục Chăn nuôi sẽ phấn đấu tăng điểm mạnh, hạn chế điểm yếu với những cách tiếp cận mới hơn.

“Năm 2024, Cục Chăn nuôi tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo kế hoạch hành động của Bộ NN&PTNT, quyết tâm thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với bối cảnh mới, tiến trình hội nhập ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng; Phát triển theo định hướng thị trường, phát huy thế mạnh của từng vùng; Khẩn trương triển khai các giải pháp với chăn nuôi gia cầm, gia súc nhằm đáp ứng cơ bản các loại thực phẩm thiết yếu (thịt, trứng, sữa) cho tiêu dùng. Đồng thời xây dựng các điều kiện tiếp cận thị trường, tăng cường xuất khẩu sản phẩm tiềm năng…”, ông Thắng cho biết thêm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao những kết quả mà ngành chăn nuôi đạt được trong năm qua.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao những kết quả mà ngành chăn nuôi đạt được năm 2023, đảm bảo tăng trưởng dương và tiếp tục là trụ cột của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Tiến, để ngành phát triển bền vững cần phải xây dựng chăn nuôi theo hướng tự chủ, xem lại cơ cấu, tập trung các ngành hàng đang tạo ra giá trị xuất khẩu cao và tiềm năng như tơ tằm, yến… Ngoài ra, chăn nuôi cần đổi mới công nghệ, bắt nhịp với thị trường, nghiên cứu con giống, chăn nuôi và thú y phải hợp tác chặt chẽ hơn để hướng tới xuất khẩu chứ không thể trông chờ vào thị trường trong nước.

Thùy Khánh

4.5 2 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC